Khởi đầu tăng giá là Bitcoin khi đại dịch xảy đến. Rồi đến cổ phiếu ầm ầm tăng khi mà các chính phủ bơm tiền ào ạt ra nền kinh tế và đồng thời giảm lãi suất thấp chưa từng thấy. Sau đó đến cơn sóng bất động sản ập đến chỉ vì lãi suất vay quá rẻ chưa từng có. Và hình như cũng có nhiều máy bơm đang tạo sóng cho nó thì phải. Rồi đến hàng hóa là em dầu, các em lương thực thực phẩm, phân bón… bứt tốc bởi cuộc chiến của 2 đại gia dầu thô (Nga) và lương thực (Ukraina).
Tiếp tục đến em Vàng, sau một thời im ắng cũng đã bứt tốc quay trở lại và lợi hại hơn xưa với mức lạm phát đang ngày càng gia tăng. Và tiếp theo sắp tới thứ có giá trị sẽ là gì ? Mình đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này để có câu trả lời cho bản thân mình trong việc dịch chuyển tỷ trọng nắm giữ tài sản cho phù hợp với sự luân chuyển của dòng tiền. Có lẽ những thứ mất giá quá nhiều thì sẽ sớm lấy lại giá trị của nó. Ở đây có thể nói trong hơn 2 năm qua thì một thứ mà mất giá nhiều nhất đó là TIỀN. Cầm 10 triệu đi tiêu mua sắm sinh hoạt hàng ngày chắc bây giờ chỉ bằng 7 triệu của 2 năm trước với cùng một lượng thực phẩm như nhau. Mình hay ăn phở hàng ngày thì thấy hình như mỗi năm các bác tăng 5k thì phải (tương đương khoảng 15%/năm)? không biết có tăng đồng loạt ở các cửa hàng không nhưng chỗ mình ăn quen rồi họ tăng vậy đó. Mình nghĩ thứ gì rẻ nhất thì nó sẽ được ưa chuộng nhất và nó sẽ lấy lại giá trở lại. Rồi sẽ đến một thời điểm tiền lại có giá trị để đến khi gửi tiền lại được hưởng lãi suất đến 15%-20%/năm.
Mình còn nhớ khi làm ngân hàng hồi 2011-2012 , mình đi huy động tiền đến khốn khổ. Lãi tiền gửi tăng theo phút các bạn ạ. Chạy theo việc tăng lãi tiền có lẽ là những anh trái phiếu có lãi suất thả nổi theo tiền tiết kiệm hoặc là quỹ trái phiếu. Bạn thử nghĩ xem gửi tiền tiết kiệm mà được tới 15%-20%/năm so với cổ tức của cổ phiếu bạn thích cái nào hơn ? Tất nhiên thời điểm nào sẽ có mức lãi suất này thì phải nhìn vào tốc độ tăng Lạm Phát của Việt Nam. Nếu tốc độ tăng cao trên 10% thì chắc chắn lúc đó tiền gửi của bạn sẽ có giá như vậy. Hình như thế giới thì tăng mạnh rồi đó còn Việt Nam thì đang nhích từ từ thì phải. Có lẽ phải chờ giải ngân xong của chính phủ nữa chăng ??? Và người giữ tiền trở nên có giá trị hơn bao giờ hết và họ có quyền lựa chọn loại tài sản mà trước đây muốn mua cũng chẳng được. Lúc này bất động sản, hay cổ phiếu chắc chắn sẽ có giá hời (giá thấp) để mình lựa chọn tích trữ. Tại sao lại mua được tài sản giá hời bởi vì lúc này ??? + Bạn mà tưởng tưởng thời điểm 2011-2012 đi vay với lãi suất 20%-24%/năm thì kinh doanh gì cho lại phải không ? Rất ít doanh nghiệp trên thị trường lãi nhiều như vậy đó. Lúc đó xu hướng họ chẳng bán cổ phiếu lấy tiền đi gửi chẳng hơn sao. + Rồi đến bất động sản cũng vậy thôi, lãi vay mà tăng cao thì ông nào đang vay tiền đầu cơ bất động sản chắc ốm đòn phải nhả hàng ra để trả nợ thôi. Mà mua thêm thì phải có tiền mặt để mua chứ đi vay tiền mua bất động sản chắc không ai dám, trừ khi họ vay ít mua nhà để ở .
Mình đang thấy hầu như mọi người đang all in (dồn tiền) vào một kênh nào đó đang có trend (xu hướng) lên. Có thể nó đem đến những món hời cho những người nhanh nhạy (vào nhanh và chạy nhanh) nhưng nó không dành cho số đông tất cả mọi người. Lựa chọn là của bạn mà, chẳng ai quyết thay bạn được Mình thừa nhận mình là người vào chậm và chạy cũng chậm nên mình chọn con đường chắc chắn hơn. Đó chính là tích lũy tài sản và phân bổ tài sản, tức là mình chia tiền vào nhiều nhóm tài sản sở hữu lâu dài. Mình sẽ linh hoạt điều chỉnh tỷ trọng trong từng nhóm tài sản chứ không nắm giữ toàn bộ một tài sản nào. Kế hoạch tài chính và phân bổ vốn phù hợp với từng thời kỳ sẽ giúp cho cấu trúc tài sản của mình luôn bền vững qua bất kỳ biến cố nào, cũng như giúp mình linh hoạt chủ động lựa chọn các cơ hội hời nhất khi đến. Hôm nay Hà Nội mưa và sương mù dày đặc, chẳng biết làm gì nên viết những suy nghĩ tài chính trên này. Biết đâu có sự đồng cảm với ai đó. Và nếu bạn có quan điểm nào đó có thể comment cho Hòa học hỏi thêm nhé.