Khi các nhà đầu tư quỹ mở kỳ vọng lợi nhuận cao hơn, họ thường chọn quỹ cổ phiếu. Quỹ cổ phiếu đầu tư vào thị trường chứng khoán, nên khi thị trường biến động, các quỹ này cũng bị ảnh hưởng. Đây là lý do tại sao khi đầu tư vào quỹ mở, thường được biết là ít rủi ro hơn tự đầu tư, nhưng tài khoản của bạn vẫn có khi đạt lợi nhuận âm. Chắc chắn nhiều người sẽ bị lung lay khi thấy tài sản của mình “nhuốm đỏ” và dễ dàng đưa ra các quyết định vội vàng, gây tổn thất cho chính nhà đầu tư. Nếu bạn lỡ gặp tình huống này, thì sau đây là 7 điều bạn cần tham khảo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng:
1. Giữ bình tĩnh
Đây là bước đầu tiên, cũng là quan trọng nhất để giúp bạn đầu tư thành công. Thị trường chứng khoán thường mang hiệu suất tốt hơn trong dài hạn. Trong ngắn hạn, sự biến động khiến giá tăng và giảm liên tục. Vì thế việc danh mục bạn “đỏ” trong ngắn hạn là việc hết sức bình thường, nhưng nó sẽ không kéo dài mãi mãi. Nếu nhìn vào dài hạn, các trường hợp lợi nhuận âm sẽ giảm đáng kể sau 3-4 năm nắm giữ. Như có thể thấy, nếu bạn có kế hoạch đầu tư trong thời gian dài hơn, chẳng hạn như 5-10 năm, bạn không cần phải lo lắng về những tin tức không tích cực trên thị trường và trở nên mất bình tĩnh khi đầu tư vào quỹ mở nữa.
2. Tránh từ bỏ khoản đầu tư vội vàng
Bạn có thể thấy danh mục của mình bị âm khi thị trường giảm, nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên từ bỏ khoản đầu tư của mình một cách vội vàng. Những lúc thị trường hoạt động kém, bạn hãy suy nghĩ kỹ trước khi bán đi chứng chỉ quỹ. Bởi điều này đồng nghĩa rằng, bạn đang chấp nhận bán đi phần tài sản của mình thấp hơn giá trị thực của nó. Một số nhà đầu tư tin rằng họ có thể rút tiền ra khỏi quỹ mở khi thị trường giảm và đầu tư khi thị trường tăng trở lại. Điều này nghe có vẻ tốt về mặt lý thuyết nhưng thường không diễn ra tốt đẹp. Vì “time in the market” sẽ luôn tốt hơn là “timing the market”. Thực tế sẽ không ai có thể "mua đáy bán đỉnh", việc mua mua - bán bán quá nhiều sẽ khiến họ chi cho nhiều khoản phí một cách không cần thiết. Thông thường, phí bán khi nắm giữ dưới 1 năm là từ 1,25 - 2%, trong khi nếu nắm giữ trên 2 năm, mức phí chỉ còn 0,5% thậm chí một số quỹ là 0%. Vì vậy, những nhầm tưởng về việc bán đi khoản đầu tư khi thị trường xuống và tham gia lại khi thị trường lên là cách không hiệu quả khi đầu tư chứng chỉ quỹ mở. Điều bạn cần làm là gì? Chính là đầu tư định kỳ (SIP) và duy trì kỷ luật với thói quen này. Việc mua đều đặn thường xuyên tức là bạn đang sử dụng chiến lược DCA (trung bình hóa chi phí đầu tư) giúp giảm thiểu rủi ro của bạn khi tham gia thị trường.
3. So sánh hiệu suất với các quỹ khác trong cùng hạng mục
Trường hợp bạn thấy rằng quỹ mà bạn tham gia hoạt động không đạt hiệu quả như mong đợi. Đây có thể là xu hướng chung của thị trường, hoặc cũng có thể vì quỹ bạn chọn hoạt động không được hiệu quả. Cách tốt nhất lúc này là bạn hãy kiểm tra hoạt động của quỹ bạn đang tham gia với các quỹ tương tự - nghĩa là các quỹ cổ phiếu cùng loại. Ví dụ: Một quỹ có vốn hóa nhỏ chỉ nên được so sánh với một quỹ vốn hóa nhỏ khác, không thể so sánh quỹ vốn hóa nhỏ với quỹ có vốn hóa lớn. Hoặc, chỉ có thể so sánh quỹ cổ phiếu midcap của bạn với quỹ cổ phiếu midcap khác, không phải quỹ cổ phiếu bluechip. Kiểm tra các quỹ có hiệu suất tốt trong bất kỳ danh mục cụ thể nào và đánh giá xem quỹ của bạn hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, quỹ mở là lựa chọn đầu tư dài hạn. Nếu bạn quan sát thấy hiệu suất hoạt động quỹ mở bạn tham gia đang chỉ hơi kém hơn so với các quỹ tương tự, thì việc chuyển đổi là không cần thiết. Trong một thời gian ngắn, các quỹ mở khác nhau hoạt động theo những cách khác nhau. Nhưng về lâu dài, các quỹ mở có hiệu suất tốt thuộc cùng loại thường mang lại lợi nhuận tương tự nhau theo thị trường chung.
4. So sánh hiệu suất với các quỹ khác từ các danh mục khác