Câu chuyện doanh nhân và ngư dân
Ý nghĩa của tự do tài chính
Câu chuyện doanh nhân và ngư dân
Ý nghĩa của tự do tài chính
Gần đây trào lưu FIRE được biết đến nhiều hơn, với ý nghĩa tích cực là thôi thúc mọi người quan tâm đến việc quản lý tài chính cá nhân. Việc đạt được FIRE hay không, đến mức độ nào còn phụ thuộc vào hành trình của mỗi người. Bởi đằng sau mỗi lựa chọn cá nhân, đều mang một ý nghĩa riêng.
Là một câu chuyện khiến người đọc phải suy ngẫm về ý nghĩa của việc mình đang làm. Câu chuyện được kể lại như sau: Một ngày nọ, một người đánh cá đang nằm trên một bãi biển tuyệt đẹp, với chiếc cần câu của anh ta cắm trên cát và dây câu của anh ta thả vào làn sóng xanh lấp lánh. Anh đang tận hưởng sự ấm áp của ánh nắng buổi chiều với hy vọng câu được một con cá. Vào khoảng thời gian đó, một doanh nhân đi bộ xuống bãi biển, cố gắng giải tỏa bớt căng thẳng trong ngày làm việc của mình. Anh chú ý đến người đánh cá đang ngồi trên bãi biển và quyết định tìm hiểu lý do tại sao ngư dân này lại ngồi câu cá thay vì làm việc chăm chỉ hơn để kiếm sống cho bản thân và gia đình.
“Anh sẽ không bắt được nhiều cá theo cách đó,” doanh nhân nói với ngư dân. “Anh nên làm việc chăm chỉ hơn là nằm trên bãi biển!” Người đánh cá nhìn lên người doanh nhân, mỉm cười và trả lời, “Làm vậy tôi sẽ được gì?” “Chà, anh có thể mắc lưới lớn hơn và bắt được nhiều cá hơn!” là câu trả lời của doanh nhân. “Và sau đó tôi sẽ được gì?” người đánh cá hỏi, vẫn mỉm cười. Doanh nhân trả lời, “Anh sẽ kiếm được tiền và có thể mua một chiếc thuyền, sau đó sẽ đánh bắt nhiều cá hơn nữa!” “Và sau đó tôi sẽ được gì?” người đánh cá hỏi lại. Chàng doanh nhân bắt đầu hơi bực bội với câu hỏi của người đánh cá. “Anh có thể mua một chiếc thuyền lớn hơn và thuê một số người làm việc cho anh!”. “Và sau đó tôi sẽ được gì?” người đánh cá lặp lại. Doanh nhân đã nổi giận. “Anh không hiểu sao? Anh có thể xây dựng một đội tàu đánh cá, đi khắp thế giới và để đội ngũ nhân viên của anh đánh bắt cá thay anh!” Một lần nữa người đánh cá hỏi, “Và sau đó tôi sẽ được gì?” Người doanh nhân đỏ bừng mặt giận dữ và hét vào mặt người đánh cá rằng: “Anh không hiểu rằng anh có thể trở nên giàu có đến mức không bao giờ phải làm việc kiếm sống nữa! Anh có thể dành tất cả những ngày còn lại của đời mình để ngồi trên bãi biển này, nhìn ngắm hoàng hôn. Và chẳng thèm quan tâm điều gì xảy ra trên đời này nữa!“ Người đánh cá, vẫn mỉm cười, nhìn lên và nói, “Vậy anh nghĩ bây giờ tôi đang làm gì?”
Từ điểm A đến điểm B
Mỗi lần đọc câu chuyện trên, mình luôn nhớ đến bài toán học lúc nhỏ: tìm đường đi ngắn nhất từ điểm A đến điểm B. Nếu nhìn ở góc độ toán học, với cùng một điểm đến như nhau: sự tự do, thì người ngư dân đã giải bài toán đến đích hiệu quả hơn, với ít nỗ lực hơn. Nhưng cuộc đời không phải như toán học. Cuộc đời chúng ta cũng là hành trình đi từ điểm A – được sinh ra, đến điểm B – lúc chết đi. Sẽ chẳng có ai muốn tìm cho mình con đường ngắn nhất đến B – cái chết. Trừ khi chúng ta đánh mất đi mục đích sống. Và xét ở góc độ cuộc đời, người doanh nhân đã chọn cho mình con đường dù vất vả hơn, cần nhiều nỗ lực hơn nhưng có nhiều ý nghĩa hơn. Trên hành trình ấy, anh tạo ra được nhiều của cải vật chất, công ăn việc làm cho xã hội và cho chính anh ta. Nhưng cũng không thể nói cuộc sống của người ngư dân là vô nghĩa. Vì ý nghĩa cuộc sống là triết lý mang tính cá nhân. Điều có ý nghĩa với tôi, chưa hẳn có ý nghĩa với bạn và ngược lại.