Tính mùa vụ của thị trường
Vì sao rung lắc mạnh giai đoạn này ?
Tính mùa vụ của thị trường
Vì sao rung lắc mạnh giai đoạn này ?
Hai tuần cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021 là một giai đoạn thử thách lớn về mặt tâm lý đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là với những ai đầu tư vào cổ phiếu công nghệ và tiền mã hóa. Đã có rất nhiều ghi nhận về tính mùa vụ (seasonality) của thị trường chứng khoán, đặc biệt là giai đoạn cuối năm như ‘’Halloween Effect’’[1] và ’’Santa Claus Rally’’[2]. Và nếu điều này là đúng cho năm 2021 thì những đợt rung lắc vừa qua là để loại bỏ những nhà đầu tư ngắn hạn và tâm lý chưa vững vàng.
Trong một nghiên cứu [3] được công bố trên tạp chí hàng đầu về tài chính là Review of Finance năm 2013, Zhang và Jacobsen đã chứng minh với số liệu của thị trường chứng khoán Anh qua 300 năm là có tồn tại tính mùa vụ trên thị trường chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận nhiều hơn nếu chỉ đầu tư trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, như hiệu ứng ‘’Sell-in-May’’. Nếu chia làm 2 mùa trong năm thì số liệu của nghiên cứu được đề cập ở trên cho thấy mùa Đông (tháng 11-tháng 4) trong giai đoạn 1999-2012 có tỷ suất lợi nhuận trung bình là 6,36% trong khi mùa Hè (tháng 5-tháng 10) tỷ suất lợi nhuận là -1,27%. Trong giai đoạn mùa Đông, tháng 12, tháng 3, và tháng 4 là những tháng có tỷ suất lợi nhuận trung bình cao nhất. Để lý giải cho hiện tượng mang tính mùa vụ của thị trường, có một số lý do được đưa ra như tính chu kỳ của thời tiết nóng/lạnh, của các mùa/tháng hay các sự kiện kinh tế chính trị như mùa báo cáo kết quả kinh doanh, mùa bầu cử lãnh đạo. Cụ thể hơn đó là sự thay đổi hành vi của con người, mà cụ thể là các nhà đầu tư mang tính chu kỳ. Chẳng hạn như tâm trạng của con người sẽ thay đổi theo mùa, những giai đoạn có nhiều ngày nghỉ hay kỳ nghỉ kéo dài.
Ví dụ như mùa hè là giai đoạn giao dịch của thị trường trầm lắng do nhiều người đi nghỉ và tạm gác công việc giao dịch chứng khoán lại. Hay tâm lý bắt đầu mùa đông thì ảm đảm, và chuẩn bị kết thúc mùa đông thì bắt đầu hứng khởi trở lại. Tháng cuối năm hay đầu năm cũng là tháng thường được ghi nhận là tích cực của thị trường khi nhiều người có khoản thu nhập bất thường, như tiền thưởng hoặc tháng lương thứ 13. Với nhiều người, khi có được một khoản thu nhập ngoài dự kiến tương đối thì phần lớn họ sẽ bổ sung thêm vào danh mục đầu tư của mình. Với thị trường chứng khoán lớn như Mỹ thì mỗi mùa bầu cử tổng thống và đảng nào đắc cử cũng là một chỉ dấu để phán đoán thị trường trong tương lai, hoặc cụ thể hơn là nửa nhiệm kỳ sau thường là thị trường có sự tăng trưởng.
Trong khi các nền kinh tế lớn đã sẵn sàng và bắt đầu giai đoạn hồi phục thì việc cẩn trọng với lạm phát là điều hết sức bình thường, khi cầu vượt nhanh hơn cung. Những quan ngại về việc tăng lãi suất, thắt chặt lại các gói hỗ trợ, hay thậm chí biến thể mới của Covid dĩ nhiên sẽ có ảnh hưởng đến việc giảm của thị trường nhưng mức độ ảnh hưởng có mạnh đến như vậy ? Chỉ số chứng khoán Nasdaq từ đỉnh gần đây nhất vào ngày 19/11 cho đến ngày 3/12 đã giảm 6,44% nhưng một số cố phiếu ngành công nghệ đã giảm từ 30-50%, như quỹ ETTF nổi tiếng ARK Innovation đã giảm 33,77% tính từ đầu tháng 11 cho đến nay. Cùng với đó, đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất là BTC cũng đã giảm 35% từ đỉnh cao ngày 8/11. Một sự điều chỉnh mạnh như vậy nếu đặt trong bối cảnh không thực sự bi quan về kinh tế hay Covid chỉ có thể được lý giải bởi nhiều nhà đầu tư lớn thực hiện chốt lời, vì một năm qua tỷ suất sinh lợi đã vượt quá mong đợi của nhiều tổ chức đầu tư cũng như nhiều người. Lấy ví dụ như đồng tiền BTC, nếu một nhà đầu tư mua đúng một năm trước thì bây giờ, dù sau khi giảm 35% thì tỷ suất lợi nhuận vẫn là 172%.
Còn với chỉ số Nasdaq, sau khi giảm đến lúc này thì so với một năm trước, tỷ suất sinh lợi cũng là 20,5%. Đây cũng là thời điểm chốt lời hợp lý vì cũng sắp đến kỳ nghỉ lớn cuối năm. Nhưng cũng không loại trừ khả năng các nhà quỹ đầu tư lớn chuyên nghiệp tạo rung lắc để cài bẫy các nhà đầu tư nhỏ lẻ mới tham gia thị trường. Sức nóng của thị trường chứng khoán, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ và tiền mã hóa thời gian qua đã khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường với tâm lý FOMO, thậm chí dùng nhiều đòn bẩy để đầu tư. Và khi số liệu thị trường cho thấy tỷ lệ dùng đòn bẩy đã cao thì không thể có cơ hội nào tốt hơn cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp ‘’úp sọt’’ các nhà đầu tư nhỏ lẻ: vừa chốt lời, vừa thanh lọc một lượng đáng kể nhà đầu tư dùng đòn bẩy, và chuẩn bị tiếp cho một chu kỳ tăng mới. Việc xác định điểm rơi đúng của thị trường là rất khó, nếu nói là không thể trong ngắn hạn đối với nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp chứ đừng nói đến nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Chính vì vậy đầu tư sẽ hiệu quả nếu việc đầu tư xác định là nắm giữ dài hạn. Những cơn rung lắc mạnh trong ngắn hạn luôn là cách mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp cài bẫy và sàng lọc các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm và yếu tâm lý.
Và vì vậy, lời khuyên không bao giờ cũ đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán: hãy có mục tiêu dài hạn và luôn hết sức cẩn trọng với việc sử dụng đòn bẩy.
[1] Thị trường thường tăng trong giai đoạn tháng 11 đến tháng 4 năm sau.