Một sản phẩm dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.
ETF hay ở chỗ nào ?
Đứng trên vai người khổng lồ
Nhưng vẫn phải cẩn thận
Cái nào cũng có cái giá của nó
Một sản phẩm dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.
ETF hay ở chỗ nào ?
Đứng trên vai người khổng lồ
Nhưng vẫn phải cẩn thận
Cái nào cũng có cái giá của nó
Bạn mới chập chững vào đầu tư chứng khoán, câu hỏi đầu tiên chắc hẳn là “mua mã nào ta?”. Hỏi những người xung quanh, nếu may mắn gặp những người có kinh nghiệm và tốt bụng, họ sẽ nói ngay “cứ ETF mà chiến”. Vậy ETF là gì, và có thể khai thác gì từ ETF ?
Thị trường chứng khoán ra đời từ rất lâu, cái xưa thiệt là xưa là từ năm 1602 ở xứ sở hoa Tulip. Sàn chứng khoán là kênh dẫn vốn rất quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế phát triển cùng với đó là các sàn giao dịch chứng khoán. Nổi tiếng nhất thế giới ngày nay có thể kể đến như NYSE và Nasdaq. Rất nhiều công ty lớn mạnh theo thời gian, giá của một số cổ phiếu vì thế tăng nhanh, có khi gấp mấy chục mấy trăm lần so với thời điểm lần đầu chào bán ra công chúng (IPO). Đến lúc giá của một cổ phiếu cao quá, mà cổ phiếu ngon nên nhiều người thích, vậy thì khó quá ? Cái khó thì ló cái khôn. Thị trường phải đáp ứng thị hiếu và một loại sản phẩm tài chính mới ra đời, là một loại quỹ đầu tư nhưng được xé lẻ và mua bán như cổ phiếu trên sàn giao dịch. Và tên gọi là Exchange Traded Fund, viết tắt là ETF. ETF đầu tiên ra đời vào năm 1993 chính là SPDR S&P 500, với mã giao dịch (ticker) là SPY. Bản chất của ETF là một rổ các các loại chứng khoán, bên trong có thể là cổ phiếu, trái phiếu, các loại hàng hóa như nguyên liệu thô, năng lượng (commodities) hay các chỉ số chứng khoán. Các quỹ ETF cổ phiếu thường dựa trên một chỉ số hay một ngành nào đó, để đưa các cổ phiếu vào trong danh mục của mình. Đó có thể là ETF lấy Nasdaq 100 làm chuẩn, Nikkei 225, DAX 30, hay CAC 40. Thường thấy hơn là các ETF của các ngành như ETF ngành tài chính, ETF ngành công nghệ, ETF ngành năng lượng, ETF ngành Y tế.
Cái được đầu tiên của ETF là đa dạng hóa được danh mục đầu tư. Khi một nhà đầu tư mua một ETF cổ phiếu, thì đồng nghĩa với việc mua cả chục hay cả trăm cổ phiếu trong cái rổ đó. Có những ETF có độ bao phủ cả châu lục, hay cả thế giới. Mức độ đa dạng hóa càng cao thì mức độ rủi ro càng thấp. Cái được thứ hai cũng là “signature” của ETF đó chính là chi phí thấp hơn các quỹ đại chúng khác, đặc biệt là so với các quỹ tương hỗ (mutual funds). Tuy nhiên, giữa các quỹ ETF cũng có các mức phí khác nhau và nhà đầu tư cũng cần hết sức chú ý. Cái được thứ ba của ETF đó chính là khả năng tiếp cận các cổ phiếu có mệnh giá lớn. Như đã chia sẻ ở trên, mua một ETF thì cũng là mua một phân mảnh (fraction) của nhiều cổ phiếu lớn. Cái được cuối cùng, là việc mua bán ETF cũng nhanh gọn như cổ phiếu, tuy nhiên mức độ thanh khoản thì còn tùy vào từng loại ETF cụ thể. Việc đầu tư vào ETF như vậy là ủy thác cho các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp lựa chọn và quản lý danh mục cho mình, nhà đầu tư không phải mất nhiều thời gian để theo dõi thị trường. Tuy nhiên ở lĩnh vực nào cũng vậy, sau một thời gian tìm hiểu, làm quen, có người kèm cặp thì chúng ta rất nôn nao tự thân vận động. Cái cảm giác được mất do chính mình quyết định nhiều khi còn quan trọng hơn kết quả đạt được vì đó là sự thử thách bản thân. Có điều thế giới cổ phiếu thì mênh mông quá trời. Ở thị trường Việt Nam thôi đã có 1654 cổ phiếu có thể mua bán trên sàn, còn ở Mỹ thì lên đến 13235 cổ phiếu theo số liệu của Eikon (Reuters). Vậy có cách nào để chọn được một số cổ phiếu tốt mà rủi ro được giảm thiếu ?
Bên cạnh việc đầu tư vào nhiều cổ phiếu cùng một lúc với chi phí thấp, sự minh bạch của quỹ ETF còn giúp cho nhà đầu tư cá nhân biết được quỹ đang nắm giữ với tỷ trọng cao những mã cổ phiếu nào, thường là top 10 cổ phiếu sẽ được công bố đại chúng. Chẳng hạn một nhà đầu tư ở Việt nam có thể tìm nhanh chóng trên Internet hiện có những quỹ ETF nào ở Việt nam, kể cả nội địa lẫn quốc tế. Rồi từ đó có thể tìm tiếp được các quỹ ETF này đang đầu tư vào các cổ phiếu nào. Tùy quỹ ETF mà tỷ trọng của từng cổ phiếu có thể khác nhau, ví dụ cổ phiếu XYZ có tỷ trọng x% trong quỹ A nhưng lại có tỷ trọng y% trong quỹ B. Nhưng nếu cổ phiếu XYZ đều nằm trong nhóm đầu của cả hai quỹ này, hay một số quỹ khác nữa, thì đó là một dấu hiệu đáng tin cậy. Bởi vì để nghiên cứu về một mã cổ phiếu, tức một công ty, thì các nhà đầu tư tổ chức phải bỏ ra nhiều nguồn lực để theo dõi cổ phiếu này. Lợi thế của các nhà đầu tư tổ chức, của các quỹ lớn thì khỏi phải bàn cãi rồi. Bởi vì họ có đội ngũ nhân viên phân tích chuyên nghiệp, các nguồn tin và dữ liệu lớn, và chưa kể các nguồn tin không chính thức, chỉ có được qua các mối quan hệ nhất định. Uy tín và chiến lược đầu tư của các quỹ là một yếu tố quan trọng trong việc chọn theo quỹ nào để từ đó lọc ra cổ phiếu mình cần. Trên thị trường quốc tế, có thể kể đến các ETF của Vanguard, Fidelity, BlackRock và trong nước có thể kể đến như quỹ SSIAM quỹ VFM Nhưng việc lựa chọn ra được các cổ phiếu cần theo dõi chưa dừng ở đây. Sau khi xác định được một số cái tên, việc cần làm tiếp theo là tỷ trọng của các nhà đầu tư tổ chức trong công ty này, cũng như các chỉ số tài chính quan trọng khác về doanh thu, khả năng tạo lợi nhuận trong tương lai, mức độ biến động giá của cổ phiếu.
Mặc dù có thể dựa hơi vào các quỹ ETF để đỡ tốn công sức và giảm thiểu rủi ro trong việc chọn cổ phiếu, rủi ro vẫn luôn hiện hữu, bởi vì ngay cả các quỹ đầu tư cũng có thể mắc sai lầm, nhất là trong ngắn hạn. Một ví dụ rõ nhất là các nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến các cổ phiếu công nghệ có độ “hot” cao đều chú ý đến quỹ ETF có tên là ARK Innovation của Cathie Wood. Có những cổ phiếu trong ETF này lên như tên lửa nhưng cũng có những cổ phiếu bị te tua. Và trong ngắn hạn, nhiều cổ phiếu có mức độ biến động giá rất lớn. Việc chọn cổ phiếu theo các quỹ ETF để tạo riêng danh mục của mình cũng cần theo các nguyên tắc về đa dạng hóa danh mục, nguyên tắc phân bổ tỷ trọng theo khẩu vị rủi ro, ví dụ như cổ phiếu nào rủi ro ít thì tỷ trọng cao và ngược lại, hoặc theo nguyên tắc tối tối ưu tỷ lệ lợi nhuận trên rủi ro (mean-variance optimization). Ngoài ra, việc chủ động xây dựng danh mục đầu tư dựa theo các quỹ ETF cần một sự theo dõi định kỳ cũng như cân bằng lại danh mục theo thời gian. Không giống như đầu tư vào quỹ ETF, các quỹ sẽ tự cân bằng để giữ mức độ rủi ro phù hợp thì nhà đầu tư cá nhân phải tự làm việc này cho mình. Chẳng hạn như một danh mục có 4 cổ phiếu, ban đầu mỗi cổ phiếu chiếm 25%. Nhưng sau 6 tháng, có 1 cổ phiếu tăng mạnh và 1 cổ phiếu giảm mạnh, khi đó tỷ trọng của 2 cổ phiếu này đã không còn là 25% như lúc trước. Để điều chỉnh về mức độ rủi ro như trước, cần phải bán bớt và mua thêm. Còn nếu giữ nguyên và không thay đổi gì, thì rủi ro của danh mục đã không còn như trước.