“67% người Việt được khảo sát cảm thấy căng thẳng về tình trạng tài chính. Phần lớn trong số đó cho rằng họ gặp khó khăn trong việc tiết kiệm và quản lý tiền bạc”.
Kết quả khảo sát thuộc Báo cáo sức khỏe ngành tài chính và ngân hàng khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Backbase thực hiện đầu năm 2021 phần nào phản ánh thực tế đáng buồn về những yếu kém của người Việt trong quản lý tài chính cá nhân.
5 bước lập kế hoạch tài chính
Tài chính vốn dĩ là một phần thiết yếu trong cuộc sống, nhưng những “lỗ hổng” về kiến thức tài chính khiến mỗi người đều loay hoay không biết nên bắt đầu lập kế hoạch tài chính từ đâu và lộ trình như thế nào.
Theo các chuyên gia, lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân thực chất chỉ xoay quanh các yếu tố thuộc vòng xoay dòng tiền bao gồm thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và bảo toàn vốn.
Do vậy, quản lý tài chính cá nhân cũng tập trung cân đối các yếu tố này.
Bước 1: Đánh giá tình trạng thu nhập
Quản lý tài chính cá nhân trước hết phải đánh giá được tình trạng thu nhập, bao gồm nguồn thu chính và các nguồn thu ngoài.
Việc xác định được tổng thu nhập trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 1 tháng) sẽ giúp bạn hiểu rõ "sức khỏe" tài chính để lên kế hoạch chi tiêu và phân bổ dòng tiền hiệu quả.